TIÊU CHUẨN HÀNG MAY MẶC XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

Ở nước ta hiện nay, ngành Công nghiệp dệt may đang ngày càng đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế quốc dân. Nó không chỉ phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao, phong phú, đa dạng của con người mà còn là ngành nghề giúp Việt Nam đảm bảo giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người trong xã hội và đóng góp ngày càng nhiều vào ngân sách quốc gia, tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế từng bước phát triển theo hướng tích cực, khả quan nhất.


Những năm gần đây, ngành Công nghịêp dệt may đã có những bước tiến vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành khoảng 30%/năm, trong lĩnh vực xuất khẩu tốc độ tăng trưởng bình quân 24,8%/năm và chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tính đến nay, cả nước có khoảng 822 Doanh nghiệp dệt may, trong đó Doanh nghiệp quốc doanh là 231 Doanh nghiệp, Doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 370 Doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 221 Doanh nghiệp. Ngành dệt may có năng lực như sau:

Về thiết bị: Có 1.050.000 cọc kéo sợi, 14.000 máy dệt vải; 450 máy dệt kim và 190.000 máy may

Về lao động: Ngành dệt may đang thu hút được khoảng 1,6 triệu lao động, chiếm 25% lực lượng lao động công nghiệp

Tổng nộp ngân sách thông qua các loại thuế ngày càng tăng, tốc độ tăng bình quân khoảng 15%/năm

Về thu hút đầu tư nước ngoài: Tính đến nay, có khoảng 180 dự án sợi-dệt-nhuộm -đan len-may mặc còn hiệu lực với số vốn đăng ký đạt gần 1,85 tỷ USD (trong đó có 130 dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho trên 50.000 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động gián tiếp

Về thị trường xuất khẩu: Việt Nam xuất khẩu nhiều sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU, Canada, trong đó các nước EU là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 34%-38% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Còn sản phẩm dệt may xuất khẩu sang Nhật Bản đã được hưởng thuế ưu đãi theo hệ thống GSP nên kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này tăng khá nhanh những năm gần đây, thị phần hàng dệt thoi và dệt kim của nước ta trên thị trường hàng dệt may của Nhật Bản tương ứng là 3,6% và 2,3%, kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 30% sản phẩm dệt may.

NHỮNG TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ, KIỂM HÀNG MAY MẶC XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM SANG CÁC NƯỚC

1. YÊU CẦU VỀ HÌNH DÁNG, KIỂU MẪU VÀ KÍCH THƯỚC CƠ BẢN

Hình dáng: Hình dáng quần áo phải phù hợp với kiểu cách thiết kế và có tính thẩm mỹ tốt. Đối với quần áo nhiều lớp, hình dáng bên trong cũng phải bảo đảm phù hợp theo thiết kế sản phẩm.

Kiểu mẫu và kích thước cơ bản:

Quần áo thông dụng được sản xuất theo đúng kiểu mẫu và kích thước qui định trong tiêu chuẩn các cấp hoặc hợp đồng.

Sai lệch cho phép của kích thước đối với quần áo có từ 2 lớp trở lên được qui định như sau:

Quần áo hai lớp:

a) Các kích thước kiểm tra và sai lệch cho phép ở lớp ngoài như quần áo một lớp:

b) Ở lớp trong (lớp lót), thông số các kích thước cần phù hợp với thông số kích thước lớp ngoài để trong quá trình may không bị lé, không bị thừa nhiều và khi sử dụng không ảnh hưởng đến kích thước và kiểu dáng sản phẩm;

c) Áo hai lớp mà được sử dụng cả 2 mặt thì các thông số kích thước tương ứng ở cả 2 mặt phải bằng nhau và sai lệch cho phép ở từng mặt qui định như áo một lớp.

Quần áo nhiều lớp có lớp dựng:

a) Lớp ngoài: Quy định như đối với quần áo một lớp

b) Lớp trong: Quy định như đối với lớp trong quần áo hai lớp

c) Lớp dựng: Quy định về kích thước và vị trí dựng theo yêu cầu sản phẩm.

2. YÊU CẦU VỀ KỸ THUẬT

Yêu cầu, tiêu chuẩn hàng may mặc xuất khẩu đối với nguyên, phụ liệu:

Vải chính: Vải phải đảm bảo chất lượng tốt, có các chỉ tiêu cơ – lý – hóa (độ bền kéo đứt băng vải, độ dầy, sự thay đổi kích thước khi giặt, độ trắng, độ bền màu, đồng màu và chỉ tiêu ngoại quan) theo đúng qui định trong tiêu chuẩn các cấp hoặc theo đúng mẫu chuẩn đã được ký kết trong hợp đồng.

Vải dựng: Vải dựng dính (vải dựng có chất kết dính – mex) hoặc vải dựng không dính (vải dựng không có chất kết dính – canh tóc, bông cứng, bông mềm, xốp hoặc vải lót – dựng) phải có mầu sắc, độ co và độ dày phù hợp với màu sắc, độ co và độ dày của vải chính.

Vải lót: Vải lót thân (vinylon, vải vân đoạn láng, satanh…) phải có màu thích hợp với vải chính và có các tính chất cơ lý hóa phù hợp để không gây ảnh hưởng đến kích thước, kiểu dáng trong quá trình sử dụng sản phẩm. Vải lót ở các vị trí khác có thể khác mầu với vải, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu phù hợp với vải chính.

Phụ liệu trang trí: Các phụ liệu trang trí có hình dạng, kích thước và họa tiết phù hợp nhằm tăng tính thẩm mỹ và ý đồ thiết kế sản phẩm may. Các họa tiết in phải có độ bền mầu cao.

Chỉ: Chỉ phải phù hợp với yêu cầu của đường may liên kết, vắt sổ, trang trí hoặc phải theo đúng mẫu đã được ký kết trong hợp đồng. Chỉ may (trắng hoặc màu) phải có độ bền kéo đứt không nhỏ hơn 7N (700G). Thành phần nguyên liệu, chỉ số, hướng xoắn và màu sắc (độ bền màu, độ đồng màu với vải) phải phù hợp với màu sắc, chất liệu của từng loại vải, yêu cầu đường may và chỉ số kim. Chỉ vắt sổ hoặc tơ vắt sổ phải mềm mại, trơn đều và có chỉ số phù hợp với vải. Chỉ thêu phải có độ bền mầu, độ đồng mầu theo yêu cầu để bảo đảm chất lượng họa tiết thêu hoặc đường trang trí.

Cúc, gài, dán: Các loại cúc được sản xuất từ vật liệu phù hợp, có độ bền cơ và độ bền nhiệt để không bị biến dạng trong quá trình gia công và sử dụng. Cúc nhựa phải là nhựa nhiệt rắn. Các loại cúc phải có chất lượng tốt, có màu sắc, kích thước phù hợp với kiểu mẫu quần áo hoặc theo hợp đồng. Các loại gài làm bằng vật liệu đa dạng phải có tính thẩm mỹ, dễ liên kết trên sản phẩm và thuận tiện khi sử dụng. Miếng dán (băng dính) có kích thước phù hợp, bề mặt dán bám chắc và màu sắc thích hợp với sản phẩm.

Khóa kéo: Các loại khóa kéo (bằng kim loại, bằng nhựa) cần bền chắc, có kích thước và màu răng khóa cũng như nền băng vải phù hợp với độ dày, màu vải và vị trí may khóa. Có thể sử dụng các loại khóa kéo theo hợp đồng.

Nhãn hiệu, mác: Nhãn hàng hóa, nhãn cỡ vóc, nhãn mác (nhãn chính), nhãn ký hiệu hướng dẫn sử dụng,…được thể hiện rõ ràng, trang nhã trên vải hoặc giấy tốt, trình bày đẹp, có kích thước và nội dung phù hợp hoặc theo đúng hợp đồng.

3. YÊU CẦU VỀ CÁCH GHI NHÃN, BAO GÓI, VẬN TẢI VÀ BẢO QUẢN HÀNG HÓA

Ghi nhãn và bao gói:

Yêu cầu xuất khẩu hàng may mặc sang Trung Quốc, EU,…là mỗi sản phẩm phải có nhãn dệt hoặc in với nội dung sau: cỡ số, biểu tượng đơn vị sản xuất, tên nước xuất hàng, hướng dẫn sử dụng. Nội dung nhãn có thể ghi theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Ngoài nhãn dệt hoặc in có thể có thêm một nhãn bằng bìa cứng, trên có ghi: kiểu sản phẩm, thành phần nguyên liệu, màu sắc, cỡ số, chất lượng, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất.

Chữ dệt hoặc in trên các nhãn phải rõ nét, thẳng hàng.

Sản phẩm phải gấp cân đối, gài găm, định kẹp đúng qui định.

Mỗi sản phẩm được đựng trong một túi PE, PP hoặc theo các yêu cầu khác của khách hàng.

Số lượng cỡ, màu sắc sản phẩm đựng trong một hộp và số hộp trong một hòm theo tiêu chuẩn các cấp hoặc theo hợp đồng.

Mỗi hòm phải có một tờ phiếu đóng hàng dán ở góc mặt hộp xếp trên cùng. Nội dung tờ phiếu ghi như sau: Mã hàng + Số lượng + Tên hàng và qui cách + Khối lượng cả bì và không bì + Ngày, tháng, năm đóng gói. Bên ngoài hòm phải được đai nẹp chắc chắn để bảo đảm an toàn trong quá trình vận tải.

Ngoài mỗi hòm phải kẻ ký mã hiệu rõ ràng, với nội dung: Tên và địa chỉ cơ sở xuất hàng + Tên và địa chỉ cơ sở nhập hàng + Địa chỉ nhận hàng + Số hợp đồng và số lô hàng + Kiểu và số thứ tự hàng trong lô + Khối lượng cả bì và không bì + Ký mã hiệu bảo quản.

Vận tải và bảo quản hàng hóa:

Các phương tiện vận tải phải khô ráo, sạch sẽ, có mái che mưa nắng

Kho chứa hàng phải có mái che và hàng phải để trên bục cách nền nhà 30cm, cách tường 50cm

Hòm không được xếp cao quá và phải để đúng chỉ dẫn nắp hòm ở phía trên

Hàng không được để cùng với chất dễ cháy, dễ dây bẩn.

0 nhận xét